Cách giặt và bảo quản đồ len đúng cách
Tránh cho đồ len bị co rút
Nếu muốn đồ len không bị co, khi giặt bạn nên sử dụng nước ấm khoảng 30 đến 35 độ. Bạn cũng có thể pha thêm 1 chút giấm vào nước xả cuối cùng để giữ màu và giữ độ đàn hồi của chất len. Giặt đồ len, tốt nhất là nên giặt tay.
Làm gì khi đồ len bị giãn
Đồ len nếu được giặt không đúng cách, có thể bị giãn, chảy, trở nên dài và rộng hơn bình thường, làm mất form dáng khi mặc. Muốn xử lý điều này, bạn hãy dùng nước nóng có nhiệt độ từ 70 đến 75 độ, ngâm áo khoảng 1 tiếng đến 2 tiếng. Sau khoảng thời gian đó, mang áo ra phơi để áo có thể hồi phục độ co giãn như ban đầu.
Phơi đồ len đúng cách
Đây là một việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo áo len không bị giãn, chảy. Nếu bạn sử dụng móc áo để phơi, áo có khả năng cao bị giãn chảy, do khi giặt xong áo khá nặng vì hút một lượng nước không nhỏ. Vậy phải phơi đồ len thế nào cho đúng? Nếu giặt tay, bạn không nên vắt áo len bằng tay theo cách thông thường. Bạn có thể không vắt, hoặc nếu vắt thì nên cuộn áo lại bằng 1 chiếc khăn trước khi vắt. Sau đó phơi áo bằng cách trải lên một mặt phẳng, chứ không nên treo lên móc.
Bảo quản đồ len
Tương tự như khi phơi đồ len, bạn không nên cất đồ len trong tủ bằng cách treo trên móc áo. Thay vào đó, hãy gấp áo gọn gàng và xếp vào tủ để tránh việc áo sẽ bị gião và chảy so với kích thước ban đầu.
Ngoài ra, để tránh cho đồ len bị gián cắn rách khi cất trong tủ, bạn nên sử dụng túi hương bán sẵn để đuổi gián, mối mọt. Đồ len cũng khá kị những vết xước của tủ gỗ, bạn cần đảm bảo một bề mặt tủ nhẵn để tránh tối đa những vết xước, vết móc trên đồ len.